Nuôi trùn quế tại nhà mang lại nhiều lợi ích to lớn, đặc biệt với những gia đình có 1 mảnh vườn nhỏ trên sân thượng hoặc ban công thì thật tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải ai nuôi trùn tại nhà cũng thành công, không ít trường hợp thất bại. Vậy lý do là do đâu? Hãy cùng Eco Việt Nam tìm hiểu nhé.
Nuôi trùn quế tại nhà là 1 từ khóa phổ biến, nhưng lại không đúng bản chất vì Trùn quế là 1 loại trùn đỏ, có kích thước nhỏ, nên lượng thức ăn tiêu thụ cũng ít hơn các loại trùn Ấn hay trùn Fetida và 1 số loại trùn lai khác. Tuy nhiên, vì quen miệng và cũng không quá quan trọng (vì chúng ta không phải là nhà khoa học) nên cũng không cần chính xác.
Trước tiên xét về các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến Nuôi trùn quế, bao gồm:
1. Thùng nuôi trùn quế
Với đặc thù của khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên thùng nuôi trùn phải được thiết kế đảm bảo mấy tiêu chuẩn sau:
- Thùng nuôi trùn phải có mặt thoáng rộng để thoát nhiệt và làm loãng khí thải CO2 cũng như 1 số khí khác như Metal ... trong quá trình sống của trùn và quá trình rác phân hủy.
- Thùng phải có hệ thống thoát nước tốt, nhất là nuôi trùn quế bằng rác thải hữu cơ, rất nhiều nước. Nếu đáy thùng không thoát nước tốt sẽ làm sinh khối trùn bết lại và gây khó khăn cho việc hô hấp của trùn (trùn hô hấp qua da)
- Đủ thoáng khí: Nên có đối lưu không khí quanh thùng để trong thùng luôn có khí tươi và cân bằng nhiệt với bên ngoài, tránh hấp khí nóng.
- Không chồng các thùng lên nhau, gây bí khí cho nuôi trùn. Nhất là các thùng thiết kế bằng chậu thông minh, không ít người đã chồng các chậu này lên nhau, nhất là về mùa hè sẽ làm trùn ngạt thở, bí nhiệt và nhoài hết ra ngoài. Nếu thiết kế nắp đậy thì cũng hạn chế đậy nắp cả ngày, nắp phải có lỗ thông khí và chỉ nên đậy vào ban đêm để tránh chuột hay côn trùng vào ăn trùn
2. Thức ăn nuôi trùn
- Tránh thịt cá mắm muối (trùn không ăn rác động vật) và các loại thức ăn đã lên meo, lên mốc. Có thể trùn sẽ thích nghi được với thực phẩm lên meo, mốc nhưng chúng sẽ bị chết hoặc chậm phát triển, sinh bệnh.
- Không cho trùn ăn quá nhiều, nhất là nuôi trùn bằng rác thì lại càng tránh. Thường thức ăn rải lên mặt thùng 1 lớp mỏng và chiếm tối đa không quá 1/3 diện tích mặt thùng vào mùa hè và 1/2 diện tích mặt thùng vào mùa đông. Đợi trùn ăn hết thức ăn mới tiếp tục cho thức ăn mới. Không cho dồn dập kiểu có là ăn. Nuôi trùn để xử lý 1 phần rác thải chứ không phải nuôi để xử lý hết rác thải trong nhà.
- Rác thải nên được xay nhỏ hoặc băm nhỏ. Nếu ủ trước bằng men chuyên ủ rác hữu cơ như Han-Profeed khoảng 2-3 ngày trước khi cho ăn thì tốt nhất. Bởi đặc thù là trùn ăn mút, chúng sẽ di chuyển phun dịch ra và hút ngược lại, dịch cuốn theo các rác đã hoai mục vào bụng và được vi sinh cộng sinh trong bụng trùn phân hủy, thải ra sau. Một ngày 1 con trùn có thể ăn lượng thức ăn tương đương với trọng lượng cơ thể của chúng. Nên nếu băm nhỏ rác hoặc xay nhuyễn được rác thì thật tuyệt vời. Các loại bã ép hoa quả là món ăn ưa thích của trùn và không cần ủ.
3. Vị trí đặt thùng trùn
Trùn sợ ánh sáng, nắng thì lại càng sợ, nếu chúng bị khô da chúng sẽ chết. Bởi vậy, cần đặt thùng nuôi trùn ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nền nhiệt quá cao như sân thượng vào mùa hè. Bởi vậy, nên đặt thùng nuôi trùn ở tầng 1, chỗ bóng mát hoặc 1 vị trí nào đó mà không quá nóng nực là tốt nhất.
4. Cứu nóng cho trùn
Trùn chỉ chịu được nhiệt độ lên đến 35 độ C, trên nền nhiệt cao hơn, chúng có xu hướng bỏ đi hoặc sẽ bị chết. Vào mùa hè, sẽ có 1 vài ngày nóng đỉnh điểm. Lúc nào cần phải hạ nhiệt cho thùng nuôi trùn bằng cách: Lấy giấy báo bọc cục đá và vùi vào sinh khối trùn để giảm nhiệt thùng trùn, mỗi ngày thường làm 1 lần để trùn sống qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, qua giai đoạn này thì lại bình thường.
Trên đây là 4 lưu ý chủ yếu chiếm tới 99% nguyên nhân thất bại khi nuôi trùn tại nhà, mọi người tham khảo ạ.
TIN MỚI HƠN
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG