Gần đây, tôi được biết thêm nhiều câu chuyện về vi phạm đạo đức trong kinh doanh tại các ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam. Tôi đọc chuyện nhân viên ngân hàng tại Việt Nam lấy cắp tiền gửi của khách hàng một cách có hệ thống. Tôi lại đọc, các nhà quản lý ngân hàng từ chối quanh co và không chịu hoàn tiền bị thất thoát cho khách hàng, mà lại quy về trách nhiệm cá nhân. Hay chuyện người này người kia bị điều tra, bắt giữ… mà việc này hiện đã không còn quá bất ngờ với thị trường như 5-7 năm trước.
Không có khảo sát nào cho thấy thiệt hại của các hành vi phi đạo đức trong kinh doanh tại Việt Nam cũng như thế giới gây ra. Song nếu nhìn trên mặt báo, có thể thấy các hành vi đó dường như không thuyên giảm, thậm chí gia tăng.
Bàn về đạo đức kinh doanh, một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hàng nghìn cá nhân và tổ chức tài chính lao vào các hoạt động đầu tư bất chấp đạo đức kinh doanh. Và kết cục là cái giá phải trả đắt nhất trong lịch sử: theo thống kê của Văn phòng Giải trình chính phủ Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến tổng tài sản của nước Mỹ sụt giảm mất 22.000 tỷ USD, làm đổ vỡ hoàn toàn hệ thống tiết kiệm, tỷ lệ thất nghiệp lên mức khổng lồ và không biết bao nhiêu doanh nghiệp phá sản.
Lý do dẫn đến các hành vi phi đạo đức hoặc bất hợp pháp theo tôi không nằm ngoài những nghiên cứu toàn cầu đã chỉ ra: Bởi lòng tham vật chất; tham vọng về địa vị; thành công, danh tiếng; sự ưu tiên; sức ép phải thành công; những cái tôi nổi loạn như “con ngựa bất kham”…
Tập trung cải thiện đạo đức kinh doanh trên toàn cầu mỗi năm tiêu tốn đến hàng tỷ USD. Tại các trường kinh doanh ở Mỹ, sinh viên bắt buộc phải hoàn thành khoá học về đạo đức. Các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ bắt buộc phải tuân thủ luật Sarbanes-Oxley với các tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức, pháp lý và tài chính dành cho doanh nghiệp. Những công ty vi phạm luật này sẽ phải chịu án hình sự nặng nề. Các tổ chức đều có các chương trình đào tạo được thiết kế riêng với mục đích tăng cường đạo đức cho cán bộ, nhân viên.
Cùng với đó, các trường đại học, các tổ chức chuyên gia, cố vấn, các quỹ và tổ chức phi chính phủ chưa bao giờ ngừng nghiên cứu các cách thức hiệu quả nhất để tăng cường đạo đức cho các nhà quản lý. Tại nhiều đại học ở Mỹ, sinh viên bắt buộc phải tham dự các khoá học về quấy rối tình dục, phân biệt giới tính, quan hệ chủng tộc, khoan dung tôn giáo, tự do ngôn luận và công bằng xã hội.
Nhưng Ngân hàng Thế giới, được biết đến với rất nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) cũng đã nhận thấy rằng, mặc dù chi tiêu hàng tỷ USD, các khoá đào tạo từ một đến hai tuần đó về cơ bản thực chất không giúp nâng cao được đạo đức cho đội ngũ công chức.
Lý do rất đơn giản, những khoá đào tạo ngắn hạn như vậy đâu thể ngày một ngày hai thay đổi được cách hành xử đã thành nếp trong nhiều năm. Hậu quả của những khóa học không hiệu quả như vậy là một khoản phí tổn nữa lại làm oằn thêm lên gánh nặng tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tại các doanh nghiệp, như tôi biết, việc tuân thủ các chỉ thị của hội đồng quản trị, quy định của cơ quan quản lý nhà nước, quy định với kiểm toán nội bộ được coi là các biện pháp để đảm bảo hàng rào đạo đức… Nhưng đôi lúc, họ đang đơn giản chỉ là "tích dấu vào ô" cho đủ lệ bộ.
Các doanh nghiệp đã và đang tiêu hàng tỷ USD vào việc lập kế hoạch chiến lược để đạt được các mục tiêu, trong đó có mục tiêu tăng cường tư cách đạo đức. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ không đầy 1/3 số doanh nghiệp thành công. Lý do tại sao? Bởi lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự tham gia vào các kế hoạch đó.
Lãnh đạo doanh nghiệp thường cố gắng tái lập “văn hoá tổ chức” bằng việc thuê chuyên gia tư vấn phát triển tổ chức với nào là khảo sát ý kiến nhân viên, tổ chức các buổi “team building”, và tập huấn thay đổi thái độ. Tuy nhiên thay đổi văn hoá chỉ có thể thành công khi chính những người quản lý doanh nghiệp quyết tâm thay đổi điều đó.
Trước hết, đạo đức phải được đặt ngang tầm quan trọng với lợi nhuận, tăng trưởng, hoặc thậm chí sự sống còn của doanh nghiệp. Bởi đạo đức là yếu tổ đảm bảo sự tiến bộ của tổ chức - yếu tố này không làm mất đi lợi nhuận, tăng trưởng hay sự sống còn của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc đặt đạo đức là ưu tiên hàng đầu chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Trong bất kỳ tình huống nào, những người đứng đầu đều phải tham gia ở mức độ cao nhất chứ không chỉ giao trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới. Việc tham gia thể hiện trong các chương trình, kế hoạch, thuyết phục nhân viên đồng lòng tham gia, trực tiếp quản lý kết quả thực hiện, đảm bảo mọi cá nhân, bao gồm chính lãnh đạo, có trách nhiệm giải trình.
Thứ ba, đội ngũ lãnh đạo phải cam kết và thực hiện cam kết đạo đức một cách nghiêm ngặt như việc đảm bảo lợi nhuận và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Chẳng hạn như, cam kết được thể hiện qua việc khen thưởng hành vi đạo đức tốt bằng cách tăng lương, đề bạt hoặc những phần thưởng khác; và có hình phạt thích đáng với những hành động phi đạo đức, thậm chí đuổi việc.
Cái khó ở đây là xử lý thế nào với những cá nhân có vai trò quan trọng và làm việc có hiệu quả nhưng đó lại là kết quả của sự gian lận mà có được. Những tình huống dở khóc dở cười như thế này xảy ra khá nhiều - điều quan trọng là người quản lý sẽ phải đưa ra hướng giải quyết phù hợp chứ không thể né tránh.
Sự cam kết cũng có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận thà bỏ lỡ cơ hội chứ không vi phạm đạo đức. Khi một tổ chức ở trong tình huống “nhìn thấy” nguồn doanh thu “khủng” bằng cách làm phi đạo đức, trái pháp luật hoặc tham nhũng thì người lãnh đạo phải có bản lĩnh bước qua khoản lợi nhuận đó.
Tóm lại, đạo đức chính là vấn đề lương tâm của cả người làm quản lý cũng như nhân viên. Yếu tố này không thể bị chi phối nhiều bởi những can thiệp hay mánh khoé bên ngoài.
Vì vậy, để doanh nghiệp Việt có thể “lột xác” và kinh doanh có đạo đức, điều kiện tiên quyết là ý chí, sự tham gia và cam kết của chính đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Bởi họ là người nắm trong tay thẩm quyền và nguồn lực để thay đổi.
Terry F.Buss (vne)