Đi theo đường tránh lũ, đến địa phận xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), bắt gặp một trang trại mới với những mô hình nông nghiệp sạch.
Đó là trang trại của anh em Dương Đức Phương và Dương Khánh Việt, là 2 thạc sỹ chuyên nghành nông nghiệp bỏ vốn thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trang trại sinh thái.
Khởi đầu gian nan
Cách đây hơn một năm, vùng đất này chỉ có cát trắng và cây phi lao mọc thưa thớt. Với kiến thức đã được học, nghiên cứu sách vở cùng lăn lộn thực tế, hai anh em quyết định đầu tư một mô hình mới với phương châm đặt ra: “Sạch từ vườn đến bàn ăn”.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi về ý định táo bạo của hai anh em. Phương nói: “Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nếu ngã ở đó thì cũng phải đứng lên ở đó”. Hơn 5ha đất cát được quy hoạch bài bản. Trên đó, hai anh em tính toán, chia làm nhiều phân khu khác nhau. Khu rau sạch nhà màng, khu ao hồ nuôi cá và cải tạo môi trường, khu nuôi lợn rừng sinh sản, khu trồng sim lấy quả.
Quy hoạch xong, hai anh em bắt tay vào làm quần quật. Trang trại mọc lên hệ thống 8 nhà màng hiện đại và đã bắt đầu trồng dưa lưới, mướp đắng trong 6 nhà với diện tích 500 m2/nhà.
Có những tính toán định mức đầu tư bị trội vốn. Hai anh em nhiều đêm không ngủ được. Sáng sớm, lại tính toán vay mượn bạn bè, ngân hàng… để có đủ nguồn vốn đầu tư kịp thời.
Đưa hệ thống nhà màng vào sản xuất, ứng dụng các công nghệ như hệ thống tưới nhỏ giọt của Isarel, điều tiết phân bón qua hệ thống tưới, nhà màng để ngăn chặn côn trùng. Nhờ áp dụng công nghệ nên dưa lưới phát triển tốt, ra hoa đúng thời gian và tỷ lệ đậu trái cao.
Sản lượng ban đầu chỉ đặt ra từ từ 5 - 7 tạ dưa/nhà màng/vụ, trên thực tế năng suất trên 1 tấn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng và hấp dẫn người tiêu dùng.
Thành quả làm động lực
Từ thành quả ban đầu, hai anh em tiếp tục đưa vào sản xuất các vụ tiếp theo. Đưa chúng tôi ra vùng trồng rau, Phương và Việt cũng kiểm tra quá trình phát triển, sâu bệnh và hướng dẫn cho người làm những việc cần thiết.
Việt nói: “Sắp tới, chúng em sẽ đưa vào thử nghiệm hệ thống cảm ứng nhiệt độ và phun sương tự động. Sản phẩm dưa lưới của trang trại đang được hoàn thiện hồ sơ xác nhận tiêu chuẩn VietGAP, sắp tới sản xuất theo hướng hữu cơ. Trang trại cũng đang tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nông sản sạch”.
Trang trại trồng trên 2.000 cây dừa xiêm. Phương cho biết, giống dừa này sau 3 năm là cho quả và rất sai. Phương tính toán, về lý thuyết, mỗi cây dừa cho 200 quả/vụ, mỗi quả 20 ngàn đồng. “Khi dừa đã cho quả thì chúng em chỉ tính đạt 50%, có nghĩa là cây cho 100 quả và giá chỉ 10 ngàn đồng thì cũng đã cho thu nhập tỷ bạc rồi”, Phương tính toán.
Phía góc xa trang trại là khu nuôi lợn rừng sinh sản. Thức ăn cho lợn chủ yếu là rau, củ của trang trại. “Chúng em chỉ dùng thêm ngô, sắn… chứ không dùng thức ăn công nghiệp”, Việt nói. Hiện lợn rừng đã đẻ những lứa đầu tiên. Hai anh em dự tính để lại nuôi lợn thịt, còn một phần bán lợn giống ra thị trường.
Mặt chính của trang trại sát đường, hai anh em đầu tư một nhà hàng lớn, có thể phục vụ cùng lúc hơn trăm khách ăn uống. “Sản phẩm rau, quả, thịt lợn rừng, cá, gà… đều tươi sống, sạch do chính trang trại làm ra. Hy vọng đây sẽ là địa chỉ sạch cần thiết cho du khách”, Dương Khánh Việt hồ hởi nói.
|
(Nguồn Nongnghiep.vn)