Nghề nuôi trùn quế (Nghề nuôi giun đất) - Sách ĐHNN

Thứ Tư, 18.12.2024 | 21:59 (GMT+0700)


Trùn - Vi sinh

Cuốn sách tổng quan về trùn quế và hướng dẫn chi tiết nuôi trùn quế

Nghề nuôi trùn quế (Nghề nuôi giun đất) - Sách ĐHNN

2021-07-01 17:03:21

Theo nhiều tài liệu, trên thế giới có tới 3.000 loài giun đất. Chúng phân bố rộng khắp trên địa cầu. Ở Việt Nam, theo Trung tâm nghiên cứu động vật đất (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì chúng ta đã tìm ra trên 170 loài. Cùng tìm hiểu về nghề Nuôi trùn quế từ đặc điểm cảu trùn đến kĩ thuật nuôi và ứng dụng của trùn quế.

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA GIUN ĐẤT

1. Phân loại

Theo nhiều tài liệu, trên thế giới có tới 3.000 loài giun đất. Chúng phân bố rộng khắp trên địa cầu. Ở Việt Nam, theo Trung tâm nghiên cứu động vật đất (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thì chúng ta đã tìm ra trên 170 loài. Chúng phân bố rất rộng và có nhiều đặc tính khác nhau. Một số loài sống trong nước, còn đa số sống trong những nơi đất ẩm hoặc những chỗ có thảm thực vật dày. Có những loài rất nhỏ, cơ thể chỉ nặng 10mg. Tuy nhiên, điều mà bà con ta quan tâm nhất là nên nuôi loài giun đất nào. Vào mùa mưa hoặc những hôm trở trời, thường thấy có những con giun lớn bò lên mặt đất. Chúng to bằng ngón tay út và dài như chiếc đũa. Người ta gọi đó là giun khoang. Suốt ngày chúng đào bới trong đất để kiếm thức ăn. Hoạt động đó làm cho đất tơi xốp và tạo nhiều biến đổi có lợi cho cây trồng. Cơ thể gium là một ống tròn, một đầu là miệng và đầu kia là hậu môn.

Chúng ngoạm đất vào mồm rồi nuốt chửng. Khi đi qua ống tiêu hóa, các chất hữu cơ, chất mùn sẽ được chúng đồng hóa, hấp thụ. Sau đó, các chất còn lại sẽ bị tống ra ngoài qua hậu môn. Đó là phân giun. Phân giun là một loại đất rất tốt. Chúng tơi xốp và giữ được ẩm. Mặt khác, các dạng phân lân và phân kali khó tiêu, sau khi đi qua bụng giun đã trở thành những dạng dễ tiêu mà cây hấp thụ được. Tuy nhiên, Loài giun này chưa phải là đối tượng để nuôi. Các loài giun đất dùng để nuôi phải có hàm lượng đạm cao, có tốc độ sinh trưởng nhanh, sống được trong các điều kiện chật hẹp và mau chống thích nghi với những môi trường mới.Trong hàng nghìn loài giun, người ta chỉ tìm được 6 – 7 loài nên nuôi. Tuy nhiên, loài giun quế hay còn gọi là giun đỏ được nhiều nơi ưa nuôi. Ở ta, chúng tôi khuyến cáo bà con nên nuôi loại giun này.

2. Giun quế

Loài giun quế còn gọi là giun mồi câu hay giun đỏ. Chúng có hàm lượng đạm rất cao. Theo nhiều tài liệu, trong cơ thể chúng, đạm chiếm tới 70% trọng lượng khô. Có lẽ vì thế mà nó trở thành loại mồi câu hấp dẫn. Chúng thường ẩn nấu dưới các hòn gạch, hòn đá, các miếng gỗ hoặc ngay dưới các lớp phân, rãnh nước cạnh các chuồng lợn hoặc chuồng trâu. Chúng có thân hình nhỏ, dài khoảng 10 – 15cm, thân mảnh như que đan len và có màu nâu tím, ánh bạc. Chúng rất năng động, chui luồn rất nhanh. Hai đầu nhọn, thân hơi dẹp. Nếu đếm kỹ ta thấy nó có tới 120 đốt. Phía gần đầu có một cái đai. Người ta gọi đó là đai sinh dục. Đại này nằm ở đoạn từ đốt thứ 18 đến đốt thứ 22.

Giun quế là loại giun đất ăn phân. Chúng có thể hoàn toàn sống trong phân mà không cần một tý đất nào. Trong những năm qua, chúng tôi đã theo dõi và khẳng định rằng, nuôi chúng trong môi trường toàn phân là tốt nhất. Chúng thích ăn nhất là phân của các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa. Phân lợn chúng cũng ăn nhưng không hấp dẫn bằng các loại phân trên. Phân gà công nghiệp có thể dùng để nuôi chúng nhưng phân gà nuôi thông thường thì không nên vì hàm lượng lân có trong phân gà ta quá cao. Ngoài ra, các phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá các loại cây không độc, không có tinh dầu cũng có thể ủ để cho giun ăn. Giun quế là loài ăn tạp. Tuy nhiên, thức ăn chính của chúng vẫn là phân gia súc. Giun quế sinh sản rất nhanh. Trong điều kiện thuận lợi, chúng tăng theo cấp số nhân. Tuy cơ thể của chúng không lớn nhưng số lượng lại nhiều nên sinh khối tạo ra rất đáng kể. Vì vậy, nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và các loài thủy sản là rất hợp lý. Trong những năm qua, chúng tôi đã dồn nhiều công sức để quảng bá việc nuôi giun quế cho nhân dân trong cả nước. Tuy vậy, nhiều vùng quê, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa việc chuyển tải thông tin gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phổ biến kỹ thuật nuôi giun quế cho nhân dân là rất bổ ích và cần làm ngay.

3. Một số đặc điểm sinh học quan trọng của giun quế

Cơ thể giun quế như một cái ống có 2 lớp: lớp ngoài là thành cơ và lớp trong là ruột. Giữa 2 lớp có chứa một dịch lỏng gọi là dịch thể xoang. Lớp cơ lại có 2 lớp: lớp cơ vòng và lớp cơ dọc. Hai lớp cơ này hoạt động nhịp nhàng, giúp giun bò rất nhanh. Lớp bên trong của giun hoàn toàn là một ống tiêu hóa. Trong ống tiêu hóa này chứa đầy các hệ vi sinh vật cần thiết. Bản thân con giun không đủ sức chuyển hóa trực tiếp các chất hữu cơ thành năng lượng. Chính các hệ vi sinh vật có trong ống tiêu hóa của chúng đã đảm nhận công việc này. Giun không có phổi. Nó hô hấp qua da. Nếu da bị khô là giun chết. Vì vậy, giun luôn sống ở nơi ẩm ướt. Nếu phải đi lại trên mặt đất thì nó cũng phải chờ tới quá nửa đêm – khi sương xuống mới dám bò lên. Vào những hôm mưa rào, ta cũng thấy giun ngoi lên mặt đất. Vì sao vậy? Chắc rằng bùn nhão đã bám chặt quanh cơ thể của chúng, cản trở sự hô hấp nên nó phải tháo chạy. Đây đã thành một bản năng. Vì vậy, khi nuôi giun phải tránh để mưa xối vào luống nuôi. Hệ thần kinh của giun chưa phát triển nhiều. Tuy nhiên, các tế bào thụ cảm cũng giúp chúng nhận biết ánh sáng, nhiệt độ, áp suất khí quyển và những dấu hiệu của thời tiết. Nó không có mắt, mũi, tai nên các tế bào thụ cảm nằm rải rác trên cơ thể phải làm thay. Chúng "đoán" thời tiết rất giỏi. Hễ sắp có giông bão, là họ hàng nhà giun ngoi lên mặt đất và bỏ chạy toán loạn. Người nuôi giun phải dè chừng trường hợp này để chủ động ngăn chặn.

Khả năng "ngửi" của giun kém. Tuy nhiên, chúng cũng phân biệt được các loại thức ăn khác nhau. Trong một luống nuôi, giun cũng có thể tím tới những chỗ có thức ăn ngon hơn. Chúng tôi đã tiến hành nhiều thí nghiệm và nhận ra rằng, chỉ cần 4 tiếng đồng hồ (trong điều kiện tối và ẩm) giun sẽ tập kết đến những chỗ có thức ăn mà chúng cho là ngon nhất. Giun là loại lưỡng tính. Trên mỗi con giun đều có cả bộ phận sinh dục đực (tinh hoàn) và bộ phận sinh dục cái (buồng trướng). Rất tiếc tạo hóa lại "quên" không bố trí cho chúng một ống dẫn giữa yếu tố đực tới yếu tố cái. Vì vậy các "của quý" không tới gặp được nhau. Do đó, muốn
sinh sản, giun phải quấn nhau. Khi đó yếu tố đực của con này sẽ chuyển tới yếu tố cái của con kia và ngược lại. Chúng ta quan sát sẽ thấy từ đốt 18 tới đốt 22 của giun quế có một đai. Người ta gọi đó là đai sinh dục. Đai sinh dục có màu nhạt hơn cơ thể. Chúng hình thành khi giun trưởng thành. Ở các đốt thứ 6, thứ 7 và thứ 8 có 3 đôi lỗ nhận tinh mở ra ở mặt bụng. Còn ở đốt thứ 18 thì có 2 lỗ đực. Rõ ràng, các bộ phận đực, cái lại nằm xa nhau. Tuy nhiên, chúng đều nằm ở nữa đầu của cơ thể. Các tế bào đực hình thành trong 2 cặp tinh hoàn (hình bầu dục, màu vàng nhạt) và thông với túi chứa tinh. Sau khi thành thục, tế bào đực sẽ đi qua phễu dẫn tinh để toái 2 lỗ đực.

Trong tự nhiên, chờ khi sương đêm đã xuống, giun mới bò lên mặt đất để đi tìm nhau. Chúng tiến sát đến nhau theo hướng ngược chiều, con này gối lên con kia, bụng sát bụng. Lúc này, cả hai đều tiết ra dịch nhầy để hỗ trợ cho việc "yêu nhau". Con nào cũng hoạt động như một con đực. Chúng co cơ để tiết tinh dịch và đẩy tinh dịch vào túi nhận tinh của con kia. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng từ từ tách ra khỏi nhau. Tinh trùng sẽ nằm trong túi nhận tinh mà không được thụ tinh ngay. Vì sao vậy? Vì rằng, ở giun, trứng lại chín chậm hơn vài ngày so với sự thành thục của tinh trùng. Dịch nhầy tiết ra tạo thành một vòng. Khi vòng nhầy bong ra, nó sẽ tuột lên phía trước. Lúc đi qua lỗ cái, nó sẽ nhận một ít trứng chín. Còn khi đi qua cặp túi nhận tinh, nó sẽ nhận tinh trùng mà "đối phương" đã "gửi" từ đó trước. Sự thụ tinh sẽ xảy ra ngay trên vòng nhầy. Vòng nhầy tuột tiếp lên phía trước và rơi ra ngoài. Lúc này, nó tự thắt hai đầu lại để thành kén. Kén có màu nâu và chuyển dần thành màu nâu sẫm. Khi sắp nở, nó lại chuyển thành màu xám đen có hình ô van. Mỗi kén có từ 1 – 20 trứng (trung bình là 7 trứng). Sau 2 – 3 tuần, giun non tự cắn thủng kén để ra ngoài. Chúng nhỏ xíu, chỉ dài độ 6 – 10mm. Chúng hoạt động ngay, ăn rất khỏe. Chỉ sau tháng rưỡi đến hai tháng là đai sinh dục bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, chúng chỉ thực sự thành thục sau 3 – 4 tháng.

Giun đẻ rất khỏe. Thường thường, mỗi tuần đẻ 1 lần và 3 tuần sau kén nở, 3 tháng sau thành giun trưởng thành. Giun mẹ sống tới 12 năm và vẫn đẻ. Vì vậy, tất cả các thế hệ từ cụ, kỵ, ông, cha, cháu, chắt, chút, chít,... đều đẻ. Chúng tăng đàn theo cấp số nhân. Khi nuôi, ta ngạc nhiên vì tốc độ tăng đàn phi thường này. Đây cũng là tính ưu việt của giun quế. Rõ ràng, nhờ đặc điểm này mà từ phân trâu, bò, phân gia súc ta có thể tạo ra vô vàn giun quế - nguồn đạm động vật quý giá để cung cấp cho các loài vật nuôi trong gia đình. Đây là điều mà nông dân nào cũng cần lưu tâm.

II. KỸ THUẬT NUÔI GIUN QUẾ

1. Giống

Giống giun quế có nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có giống giun quế. Kỹ sư Đinh Đăng Minh (lúc đó là Phó giám đốc Công ty Vệ sinh Hà Nội) đã huy động công nhân của mình đi đào bới để có được lượng giống ban đầu. Chúng tôi đã nhanh chóng nhân chúng ra. Vì vậy, giống giun quế được chọn lọc ngay ở Việt Nam. Khi bắt đầu nuôi giun, bà con nên tìm tới các cơ sở đang nuôi để mua giống. Họ sẽ cấp cho ta một gói gồm có giun giống, phân giun và một phần thức ăn của giun. Trong phân giun đã có hàng triệu kén. Vì vậy, khi đưa giống về, rãi đều giống lên chỗ nuôi. Sau một thời gian sẽ thấy giun sinh ra nhung nhúc.Hiện nay, hầu như ở tỉnh nào cũng có người nuôi giun. Bà con nên tới đó để học hỏi và mua giống. Nếu gặp khó khăn, xin đến chỗ đơn vị chúng tôi.

2. Thức ăn

Khi bắt đầu nghiên cứu, chúng tôi theo tài liệu của Mỹ, nên khâu chuẩn bị thức ăn khá phức tạp. Một số tài liệu trước đây của chúng tôi cũng trình bày theo kiểu đó. Nhưng hiện nay, qua quá trình nghiên cứu gần 20 năm cho thấy việc chuẩn bị thức ăn cho giun rất đơn giản. Giun ăn tất cả các loại phân gia súc, gia cầm. Chúng thích nhất là phân của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, dê, thỏ, voi ... Ngoài ra, phân lợn, phân gà công nghiệp, phân bắc, phân chim cút chúng ăn cũng tốt. Riêng phân gà ta, do hàm lượng lân quá cao nên giun ít ăn.

Cần ủ nó với các loại phân khác rồi mới đưa vào cho giun ăn. Giun cũng có thể ăn các loại chất hữu cơ khác như giấy vụn, bìa mục, thân lá các loại cây họ đậu, rau thừa, vỏ củ, các loại bèo băm nhỏ, bã sắn dây, lá dong giềng ... Tuy nhiên, không nên cho chúng ăn các loại có vị cay, đắng, chua, chát và có chất độc (như lá xoan, lá lim, vỏ sắn...). Tất cả các chất hữu cơ này nên được trộn lẫn với phân, ủ cho hoai rồi mới cho giun ăn.

Khi khai thác các nguồn phân gia súc, nên loại bớt nước tiểu do trong nước tiểu hàm lượng axit uric cao, không thích hợp với giun. Có nhiều người nghĩ rằng, giun quế sống trong đất nên cần phải cho thêm đất. Điều đó không đúng. Trong tự nhiên, giun sợ nóng và sợ ánh sáng nên phải chui xuống đất. Chúng tôi nuôi giun quế trong điều kiện hoàn toàn không có một tý nào đất. Chúng chỉ được nuôi trong môi trường toàn phân hoặc phân ủ với rác. Chúng đã sống rất tốt. Cũng có người khuyến cáo nuôi giun bằng rơm rạ ủ mục. Theo chúng tôi, như vậy cũng không đúng. Cơ thể giun có hàm lượng đạm cao. Muốn tạo ra giun mới và giun muốn lớn nhanh thì thức ăn của chúng phải có nhiều đạm. Phân gia súc mới có nhiều đạm. Còn nếu nuôi giun chỉ bằng rơm rạ thì giun lấy đâu ra đủ đạm để lớn.

Cần lưu ý bà con, ở những nơi không sẵn nguồn phân hoặc vào những mùa hiếm phân, cần phải tổ chức trữ phân. Phân cần được trữ ở những nơi được che chắn, không cho nắng chiếu vào và không cho mưa hoặc nước bên ngoài ngấm vào. Tốt nhất là trử chúng trong các bể có mái che để cho giun ăn dần.

3. Chỗ nuôi

Yêu cầu của chỗ nuôi giun cần đảm bảo 2 điều kiện:

Một là, có một nền cứng hoặc một nền ngăn cách với mặt đất.

Hai là, có mái che.

Hai điều kiện này cần được vận dụng linh hoạt tùy từng nơi. Ở đồng bằng Bắc bộ, bà con thường bố trí nơi nuôi giun ở trên một nền chuồng lợn bỏ không hoặc ngay trên sân gạch. Nền xi măng cứng sẽ ngăn cách với mặt đất. Ta chỉ việc lợp cho chúng một cái mái. Có thể lợp bằng lá mía hoặc giấy dầu đều được. Ở các vùng cao, điều kiện có nhiều khó khăn, nhân dân còn ở nhà đất là chủ yếu. Vì vậy, không thể kiếm được nền cứng. Bà con đã làm chỗ nuôi giun theo cách như sau: chon một chỗ đất cao; nện chặt nền đất; quây thành luống; lợp cho nó một cái mái như kiểu lều chợ; xung quanh đào một rãnh sâu để nếu mưa thì nước sẽ thoát đi. Như vậy, cũng có thể nuôi giun vào đó được.

Ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc các vùng cát duyên hải miền Trung, bà con ta lại quây bồn nilon làm chỗ nuôi giun. Ta làm như bồn chứa nước, chiều cao chỉ cần 40 – 50 cm. Bồn có thể rộng 2m2 hoặc vài chục m2. Xung quanh dùng hệ thống cọc, kèo bằng tre để néo bồn. Bên trên bồn phải căng nilon để che mưa.

Ở các thành phố, thị trấn, nhiều người nuôi gà, nuôi cá, nuôi chim cảnh, nuôi nhím... cũng tổ chức nuôi giun. Tốt nhất, nên dùng một gian nhà kho bỏ không để làm chỗ nuôi giun. Cũng có nơi, do hoàn cảnh hẹp, họ có thể nuôi giun trong thùng gỗ, bồn tắm hỏng, trong chậu, vại...
Có những người chuyên đi câu, họ chỉ cần một lượng giun rất ít. Vì vậy, họ có thể nuôi trong những diện tích nhỏ như chậu trồng cây, nồi đất, chậu thau, thùng gỗc hoặc hộp gỗ... Đa số bà con nông dân nuôi giun để làm thức ăn cho cá, gà, vịt, ngan và cả cho heo nữa. Gần đây, nhiều nhà lại nuôi giun để cung cấp cho các loài thủy sản như tôm, cua, baba, ếch, lươn... Vì vậy, diện tích nuôi phải lớn. Nên thu xếp để có được một diện tích hợp lý. Thông dụng nhất là nuôi bằng luống.

Luống nuôi giun được bố trí ở nơi có nền cứng. Ta có thể dùng gạch, dùng ván bìa, dùng thân cây chuối quây lại thành luống. Có người cho ràng phải xây kín, vững chắc. Suy nghĩ như vậy không đúng. Vật liệu quây thành luống chỉ có nhiệm vụ giữ cho phân khỏi tràn ra ngoài. Thậm chí, khi tưới quá nhiều nước, nước có thể thoát ra ngoài dễ dàng chứ không bị ứ đọng trong luống. Vậy, giun có theo các kẻ hở để bỏ đi không? Không! Giun là loài hạ đẳng. Chỗ nào nhiều phân là nó ở lỳ luôn tại đó. Vì vậy, giun không rời khỏi đống phân đã đổ dày trong luống. Luống nên cao từ 25 – 30cm, rộng 1m và dài tùy ý (kinh nghiệm nhiều người nuôi cho rằng luống chỉ nên dài 3 – 5m là vừa và tiện chăm sóc). Trên luống phải lợp mái che. Tuyệt đối không để mưa xối vào luống nuôi. Giun có thể sống với độ ẩm cao nhưng không chịu được điều kiện mưa xối xả. Bản năng của chúng là nếu mưa to tạt vào nơi ở, chúng sẽ bỏ chạy. Do đó, cần phải có mái che cho luống nuôi. Mái che có thể bằng rơm rạ, bằng tranh lá mía hay bằng giấy dầu, bằng nilon đều được. Mái che nên cách mặt luống từ 1m trở lên. Nếu thấp quá, khó thao tác khi chăm sóc, thu hoạch, nếu cao quá, mưa có thể hắt vào. Luống nuôi được quây ở trong nhà là tốt nhất. Nếu bố trí luống nuôi ở giữa vườn hoặc cạnh ao, hồ thì phải quây nilon hoặc lưới xung quanh để bảo vệ. Cóc, nhái, ngóe, chẫu chàng... rất thích ăn giun. Phải luôn để mắt tới bọn này. Chúng thường ẩn nấp gần luống giun hoặc chui ngay vào trong luống giun và ăn giun rất dữ. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra và đề phòng sự phá hoại của chúng.

Ta nuôi giun để cung cấp thức ăn cho gà, vịt, ngan, ngỗng. Thế nhưng, cũng không thể để chúng xông vào luống nuôi và bới tung lên. Chúng sẽ ăn hết cả giống. Vì vậy, cần đan 1 phên tre để đậy lên trên, tránh gà, vịt, chim vào ăn giun.

4. Cho phân và thả giống

Sau khi đã làm xong chỗ nuôi, ta cho phân vào. Không được cho phân khô. Nếu phân bị khô thì phải tưới nước cho phân ẩm. Tốt nhất, không nên dùng loại phân đã khô. Ta đổ phân thành một lớp dày khoảng 20cm, san cho đều. Đừng để phân kết thành những mảng lớn mà phải dầm chúng ra. Nếu mua được ít giống, không nên cho phân vào đầy luống. Dùng gạch ngăn lại và chỉ đổ phân vào trong khoảng 1m2, dày độ 20cm. Như vậy, sau khi thả giống, mật độ giun sẽ cao, chúng dễ gặp để quấn nhau hơn. Khi nào giun đã nhiều, tiếp tục nới từ từ ra và cho dần phân tới hết luống.

Khi cho giun giống vào luống, nhớ rãi đều chúng lên mặt. Sau đó, dùng một tấm phủ đậy lên trên. Tấm phủ phải đảm bảo che được tối và giữ được ẩm. Tốt nhất, tấm phủ nên là bao tải đay cũ và phải được giặt sạch trước khi sử dụng để tránh các mùi, vị có thể có trước đó gây hại cho giun.

Ở các trang trại nuôi giun với diện tích hàng trăm mét vuông, người ta không dùng các tấm phủ mà tiến hành che tối cả khu vực nuôi. Thường thường bà con dùng cót, dùng bạt hoặc dùng các tấm tranh đan thưa để che xung quanh, tạo ra độ tối vừa phải trong khu vực nuôi. Với ánh sáng mờ mờ đó, giun coi là tối và sẽ ngoi lên để gặp gỡ nhau.

Cuối cùng, cần tưới ẩm lên toàn bộ tấm phủ. Nước sẽ thấm qua tấm phủ để xuống tới lớp phân. Lần đầu nên tuới hơi đẫm. Chú ý, phải dùng nước sạch để tưới cho giun. Tuyệt đối không dùng nước có vôi hoặc xà phòng tưới vào luống vì như vậy, giun sẽ chết.

5. Chăm sóc

Sau khi thả giống, để 2 – 3 ngày sau mới kiểm tra. Lúc đó dỡ hé tấm phủ lên. Nếu thấy có giun bò lên mặt là tốt. Như vậy là nó đã thích ứng với chỗ ở mới và bắt đầu đi tìm "bạn đời" để quấn nhau. Công việc hằng ngày của chúng ta là kiểm tra chỗ nuôi, đề phòng dịch hại (cóc, nhái, ngóe, chuột trù, chim...) và giữ ẩm cho luống. Không bao giờ để phân bị khô. Tấm phủ cũng phải luôn luôn ẩm. Vì vậy, thấy tấm phủ sắp khô phải tẩm ướt ngay.

Giun ăn phân gia súc và đùn phân của nó lên bề mặt. Phân giun tơi như mùn cưa, màu đen. Khi nào giun ăn hết thức ăn phải bổ sung ngay thức ăn vào. Vào mùa đông, cứ 7 – 10 ngày lại cho thêm 1 lớp phân từ 3 – 5 cm. Còn mùa hè, đôi khi chỉ 3 – 5 ngày là giun đã ăn hết và lại phải cho tiếp. Cần phải kiểm tra định kỳ xem đã hết thức ăn chưa. Ta dùng một cái dĩa tự tạo bằng tre, các răng của dĩa phải được mài tròn đầu. Dùng dĩa xới phân lên. Nếu phía dưới không tìm thấy dấu tích của thức ăn nữa là giun đã ăn hết, cần bổ sung ngay thức ăn. Nếu để giun đói, giun có thể bỏ đi. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên là rất cần thiết.

Nếu tấm phủ là chiếu rách thì sau một vài tháng chiếu sẽ mục và giun cũng ăn luôn cả nó. Vì vậy, phải chuẩn bị thêm tấm phủ. Luôn luôn để ý tấm phủ có kín luống hay không. Con giun chỉ có 3 hoạt động: ăn, quấn nhau và đẻ. Khi quấn nhau, chúng ngoi lên mặt luống. Điều kiện bắt buộc để nó có thể ngoi lên bề mặt là phải tối và ẩm. Vì vậy, nếu tấm phủ đảm bảo tối và ẩm thì nó có thể bò lên mặt luống cả ngày và đêm để "yêu nhau". Việc gặp gỡ nhau càng dày thì tốc độ tăng đàn càng nhanh. Vì vậy luôn chú ý phải che tối và giữ ẩm cho luống nuôi.

6. Dịch hại

Con giun hiền lành thư vậy mà cũng có rất nhiều kẻ thù. Trước hết, phải kể tới các loài lưỡng cư: Cóc, nhái, ngóe, ễnh ương, chẫu chàng rất thích ăn giun. Biết chỗ nào có giun là chúng kéo tới. Cóc thường chui luôn vào trong luống, nằm lẫn trong phân. Da cóc có khả năng biến đổi màu cho thích ứng với môi trường. Vì vậy, có khi ta mở tấm phủ ra nếu nhìn không kỹ sẽ không phát hiện được những chú cóc nằm im trong luống.

Chúng bắt mồi bằng lưỡi, lưỡi của chúng đính với hàm trên. Khi thấy giun ngoi lên, chúng phóng lưỡi ra, kéo con mồi gon ghẽ vào trong mồm va nuốt chửng. Nó nằm im một chỗ để ăn no giun. Ta phải hết sức cẩn thận để loại trừ cóc. Định kyc mở toàn bộ tấm phủ ra để kiểm tra luống nuôi. Phải quan sát kỹ các kẽ hở giữa các viên gạch dùng để quây thành luống. Phát hiện thấy cóc là phải diệt ngay. Các loài khác như nhái, ngóe, ễnh ương, chẫu chàng... thường không nằm trong luống. Chúng thường tập kích luống giun vào ban đêm. Ban mgày, chúng luồn ra xung quanh, nằm ẩn khuất trong các bụi cây, hang hốc cạnh đó. Nếu không để ý sẽ không thấy. Vì vậy, chỗ đặt luống giun cần được cân nhắc kỹ, phải đề phòng bọn này. Cũng có nơi đã dùng nilon quây xung quanh chỗ nuôi giun, giống như kiểu chống chuột cho ruộng lúa. Tuy nhiên, tấm nilon ở đây phải cao từ 1m trở lên.

Chuột trù cũng là kẻ thù của giun. Các loài chuột khác ăn ngũ cốc. Riêng chuột trù ăn sâu bọ. Chúng cũng rất thích ăn giun. Nhược điểm của bọn này là dễ bị phát hiện. Chúng có mùi hôi nồng nặc và luôn goi nhau chít, chít. Ban ngày chúng rất loạng choạng, dễ bắt hoặc đánh chết chúng. Chúng lại không có khả năng leo trèo. Vì vậy, nếu ta ngăn cửa hoặc ngăn quanh luống nuôi bằng một vách ngăn cao khoảng 40cm là chúng chịu chết, không vào được. Gà, vịt, chim chóc cũng là kẻ thù của giun. Ta nuôi giun cho gà, vịt ăn nhưng nếu để chúng vào luống thì chúng sẽ bới tung lên và ăn sạch cả giống. Vì vậy, phải quây lưới hoặc đan tấm phên phủ lên luống giun để ngăn bọn này phá hoại.

Nhiều người nuôi giun ngại nhất là việc chồng kiến. Thực tế, việc chống kiến lại rất đơn giản. Bình thường, kiến không chui rúc vào chỗ ẩm như luống giun. Chúng ngại nước. Tuy nhiên, khi trong luống giun có giun chết thì chúng lao vào ngay. Mùi của giun chết rất hấp dẫn họ hàng nhà kiến. Các kiến trinh sát sẽ báo ngay về ổ. Đại quân kiến sẽ rầm rộ kéo vào luống giun. Chúng đi thành dòng, đông đặc. Nhìn đàn kiến, ta thấy khiếp. Nhưng diệt chúng cũng đơn giản: ta đốt một bó đuốc dọc theo lối đi của kiến để đốt hết chúng. Kiến sẽ chết như rạ nhưng cũng còn hàng nghìn con chạy thoát, lúc đó ta lấy nước té vào luống nuôi. Những con kiến còn sống sẽ chạy toán loạn. Vài phút sau chúng sẽ biến hết. Việc diệt kiến rõ ràng không khó. Tuy nhiên, cần phát hiện sớm. Vì vậy, mỗi ngày phải thăm nom luống giun một lần.

Ngoài ra, các loài động vật khác có khả năng ăn giun đều phải đề phòng. Ví dụ: thạch sùng, thằn lằn, rắn, rết...

Đôi khi sự chăm sóc thiếu cẩn thận của con người cũng gây tác hại cho giun. Ví dụ: để tưới cho luống giun, ta tiện thể tạt ngay chậu nước vừa giặt quần áo vào. Trong nước có xà phòng. Như vậy là gây xào trộn cho giun. Giun rất sợ chất kiềm. Chỉ vài phút sau, giun lũ lượt bỏ trốn, chúng chạy khắp nơi – Luống nuôi thất bại; hoặc gặp hôm mưa to, nếu không để ý, gió có thể làm tốc mái che của luống giun. Nếu mưa xối vào, giun sẽ bỏ đi sạch. Như vậy, cũng coi như không thành công... Do đó, việc chuyên cần và cẩn thận của người nuôi cũng là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo thành công.

7. Thu hoạch

Có nhiều cách để thu hoạch giun. Tùy yêu cầu mà chọn cách phù hợp.

a.. Thu hoạch nhanh bằng tay

Ta biết rằng, giun thường bò lên trên mặt luống nuôi (dưới tấm phủ) để quấn nhau. Đối với chùng, điều kiện vừa tối, vừa ẩm, vừa rộng rãi như thế là tuyệt hảo. Chúng tha hồ quấn nhau. Lúc đó, ta nhẹ nhàng nâng dần tấm phủ lên. Giun nằm la liệt trên mặt. Ta nhanh chóng vơ lấy giun và cho vào một chậu nhỏ. Trong chậu có một lớp phân giun mỏng. Giun sẽ hốt hoảng chui ngay xuống dưới lớp phân mỏng đó. Ta tiếp tục nâng tấm phủ lên và lại vơ lấy giun để cho vào chậu. Cứ như vậy ta tiến hành tới khi đủ lượng giun cần thiết thì thôi. Phương pháp này thường được dùng khi khai thác giun cho gia cầm ăn hàng ngày.

Ở đây, cần lưu ý cho bà con một việc: ta lấy giun cho gia cầm ăn, nhưng không phải là cho chúng ăn no bằng giun. Thức ăn chính cho chúng là ngô, cám nhưng mỗi bữa cho thêm năm, bảy chú giun thì nó rất nhanh lớn, đẻ khỏe. Vì vậy, phải coi giun là thức ăn đạm động vật tươi sống cần thiết để bổ sung cho bữa ăn của gia cầm. Khi cho gà, vịt ăn ta đổ chậu giun ra đất. Toàn bộ đám giun sẽ phơi ra đỏ au. Gà, vịt tha hồ ăn.

b. Thu hoạch bằng phương pháp nhử mồi

Phương pháp này thực hiện khi trong luống nuôi đã hết thức ăn. Ta không cho tiếp thức ăn lên mặt luống. Dùng các loại sảo hoặc rỗ đan bằng tre và đựng thức ăn vào đó, đặt lên trên mặt luống và cũng chỉ che phủ lên trên các sảo hoặc rỗ này. Đồng thời, cũng chỉ tưới ẩm vào đó mà không tưới toàn luống. Giun đói sẽ đi tìm thức ăn. Chúng chui hết lên các sảo vì ở đó mới có thức ăn. Hôm sau, nhấc cả sảo ra. Trong đó nhung nhúc đầy giun.

Cũng có thể nhử giun bằng cách đổ thức ăn vào giữa luống. Ta gạt toàn bộ phần phân giun ở giữa luống ra hoặc gạt sang 2 đầu của luống. Phần trống ở giữa ta cho phân trâu vào. Tất cả giun trong luống sẽ dồn về đó để ăn. Vài hôm sau, ta xúc toàn bộ chỗ phân đó ra sẽ thu hoạch được hầu hết giun.

c. Phương pháp thu hoạch bằng đe dọa

Giun rất nhát. Nó rất sợ ánh sáng, tiếng động và các kích thích cơ học. Vì vậy, sử dụng ngay các tác nhân này để phục vụ cho việc bắt giun. Phương pháp này cũng thực hiện khi trong luống nuôi đã hết thức ăn, tiến hành như sau: Lấy một chậu giặt lớn hoặc một cái bàn, xúc toàn bộ phân giun ở trong luống lên đó (phải làm nhiều lần), vun lên thành ngọn và gõ nhẹ vào thành chậu hoặc chân bàn. Giun gặp ánh sáng thì chui vào giữa. Mặt khác, khi bị tiếng động dội vào, chúng chui sâu xuống dưới. Được một lúc, ta gạt bớt phần ngọn ra ngoài. Giun bị lộ ra, lại cuống cuồng chui sâu tiếp xuống dưới, tiếp tục gõ và gạt dần phần bên trên. Cứ như vậy, làm dần dần. Cuối cùng, ở dưới bàn hoặc dưới đáy chậu là cả một lớp giun đày đặc. Ta có thể thu hàng cân, thậm chí hàng yến giun.

Phương pháp này cùng có thể tiến hành ngay ttrên mặt đất. Ta lấy 1 tấm ni lông lớn trải rộng, xúc phân giun và giun ở trong luống ra vun lên thành ngọn. Dùng một đôi đũa nhẹ cứ gạt nhẹ ở bên trên. Giun sợ sẽ chui xuống dưới. Ta xúc bớt lớp ngọn ra. Sau đó lại vun lên ngọn khác và lại tiếp tục tác động. Trong khi đó, ở xung quanh cũng gạt dần phân ra. Giun luôn luôn tìm cách chui vào giữa đống. Như vậy ta sẽ loại dần phân giun ra. Cuối cùng, ở chính giữa là đầy giun. Bà con ở Bắc Cạn, Hà Giang, Thái Nguyên,...thường sử dụng phương pháp này để thu hoạch giun.

Phương pháp này sử dụng khi cần thu hoạch nhiều giun hoặc khi muốn thay luống. Sau khi nuôi độ nửa năm, trong luống có quá nhiều phân giun, cần phải loại bớt phân giun ra. Để làm việc này, ta nên dùng phương pháp trên để lấy phân và giun riêng ra. Cần lưu ý, trong phần phân giun loại ra đó còn rất nhiều giun và hàng triệu kén giun. Để thu hoạch hết, nên xúc lại phân này vào luống và thu hoạch dần bằng phương pháp nhử mồi tiến hành liên tục trong 3 tuần. Cứ 3 – 5 ngày lại thu hoạch và thay bằng một lớp mới. Các kén cuối cùng cũng nở sau 3 tuần. Như vậy, ta cso thể thu hoạch được hầu hết giun có trong luống nuôi. Phân giun còn lại là một loại phân hữu cơ rất tốt. Người ta cho biết, các dạng phân lân và phân kali khó tiêu sau khi qua bụng giun đã trở thành phân dễ tiêu. bản thân phân giun rất tơi, xốp và giữ ẩm tốt. Nếu thêm vào đó một ít phân vô cơ thì ta sẽ có một loại phân bón ca cấp rất tốt mà không có mùi hôi thối. Loại phân này nên để bón cho các cây cảnh, cho các khuôn viên trong bệnh viện, trường học, cơ quan, khách sạn,...

Cố thiếu tướng Lê Soạn – nguyên Tư lệnh lực lượng cảnh vệ của Lăng Bác Hồ, hồi đó đã nhờ chúng tôi giúp đơn vị tổ chức nuôi giun trên trại bò ở Ba Vì để lấy phân giun bón cho cây cảnh quanh lăng Bác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có ý định thu mua phân giun để chế ra loại phân đặc biệt cung cấp cho nhân dân ở các đô thị. Chắc rằng, người tiêu dùng sẽ hài lòng với loại phân mới này.

8. Chế biến và sử dụng giun đất

Giun đất là nguồn thức ăn đạm cao cấp dùng cho vật nuôi. Trong chăn nuôi, khâu đầu tiên là giống. Muốn nuôi loài gì cũng phải lo đầu tiên là chọn giống tốt. Khâu thứ hai là thức ăn. Quyết định của định của thức ăn chính là hàm lượng đạm có trọng nó. Khi ra cửa hàng bán thức ăn cho vật nuôi, ta thấy có rất nhiều loại. Việc đầu tiên mà các bạn sẽ làm là nhìn xem trong thành phần của loại thức ăn đó có bao nhiêu phần đạm. Thành phần đạm cao hay thấp sẽ quyết định giá trị của từng loại thức ăn. Vì vậy có thể nói, trong chăn nuôi, hàm lượng đạm trong thức ăn sẽ góp phần quyết định cho sự tăng trọng và chất lượng thịt của vật nuôi.

Luống nuôi giun của chúng ta chính là một xưởng sản xuất đạm (mà là đạm động vật) để cung cấp cho vật nuôi. Mỗi gia đình duy trì được một vài luống giun tức là chúng ta chủ động được nguồn đạm để phát triển chăn nuôi. Giun là thức ăn hấp dẫn của nhiều loài. Đối với các loài thủy sản, giunlà một trong những lọai thức ăn hấp dẫn nhất. Chính vì thế cho nên mồi câu thường được người ta chọn là giun đất. Các loài cá, ba ba, ếch, lươn, cua biển... đều thích thức ăn là giun. Ta chỉ cần khai thác chúng khỏi luống nuôi và vứt ngay xuống nước là cá đã tranh nhau ăn. Nếu cẩn thận, nên cho chúng vào một cái giá và hạ sâu xuống dưới nước.
Cũng có chỗ, người ta còn băm nhỏ giun ra rồi mới cho vào giá để đưa xuống cho cá ăn. Đặc biệt, đối với tôm, cua ta nên làm theo kiểu đó. Bọn chúng không hung hăng như các loài cá. Việc ăn mồi của nó diễn ra từ tốn hơn. Nếu để giun còn sống, chúng có thể tẩu thoát trước khi bị tôm, cua bắt đi.

Đối với gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cảnh... nên cho ăn sống. Không nên cho ăn một lúc quá nhiều. Tùy trọng lượng của từng con mà cho ăn thêm từ 5 – 7 con tới 15 – 20 con giun mỗi ngày. Đối với gà đẻ, vịt đẻ thì giun là thức ăn rất cần thiết. Nên tăng thêm lượng giun cho chúng.

Lợn cũng thích ăn giun. Tuy nhiên, ta nên nấu chín giun hoặc chế biến thành mắm để cho chúng ăn. Tốt nhất, là sấy khô và giữ giun để cho lợn ăn dần.

Việc sấy khô giun không khó. Trước hết, ta rửa sạch chúng bằng nước lã vài lần. Sau đó, để ráo bớt nước rồi đổ chúng vào thúng đựng cám. Giun gặp cám khô sẽ quằn quại, vùng vẫy. Cám sẽ bám kín cơ thể chúng. Vài phút sau, giun sẽ chết vì ngạt. Khi đó, sàng qua cho cám rơi bớt ra. Sau đó, đem chúng đi sấy. Những nơi có nắng nhiều, ta nên sấy ánh nắng bằng cách rải giun lên các tấm tôn hoặc các tấm kim loại. Cũng có thể rải trên nền xi măng, chỉ vài nắng là chúng khô cong. Ở những nơi ít nắng, ta có thể rang trên chảo như kiểu sao chè. Khi được giun khô, ta để nguyên con hoặc giã ra thành bột. Có thể bảo quản chúng trong
hũ sành, hũ thủy tinh hay các bao ni lông. Phải giữ thật kín, tránh để bị ẩm. Thường dùng loại giun khô này để bổ sung vào thức ăn cho vật nuôi.

Có bạn bảo, con giun bẩn như vậy mà tại sao có nơi người ta lại chế biến làm thức ăn? Xin trả lời, việc làm sach giun không khó. Trước hết, người ta cũng rửa qua nước cho chúng sạch bớt. Sau đó, họ cho chúng vào một cái thùng đựng bột ngô hòa với nước ở mức sền sệt. Bột ngô khác bột gạo. Bột ngô không dính vì hàm lượng gluten thấp hơn. Khi thả giun vào, chúng lập tức chui xuống dưới lớp bột ngô đó. Ta giữ chúng ở đây khoảng 24 – 48 tiếng. Trong thời gian này, giun sẽ ăn bột ngô. Như các bạn đã biết, cơ thể giun là một cái ống tiêu hóa. Ngô bột sẽ giúp chúng cọ sát cho sạch các chất bẩn dính trên cơ thể. Mặt khác, thức ăn ngô đi qua cơ thể sẽ dồn tất cả cặn bã trong cơ thể giun ra ngoài. Sau 48 tiếng, hầu như con giun đã sạch bong. Ta dùng nước để rủa lại cho chúng dồn hết bột ngô và phân giun ra ngoài. Lúc này ta chỉ còn toàn
giun sạch.

Chúng tôi không giới thiệu cách chế biến giun làm thức ăn cho người. Nhưng ở một số nước, người ta đã làm việc này. Ví dụ một vài món ăn được chế biến từ giun đã được làm sạch như sau:

- Món giun chiên giòn: Giun sạch được nhúng vào bột mì sền sệt. Sau đó vớt ra và cho vào chảo dầu đang sôi. Chúng sẽ phồng rộp lên, to bằng ngón tay. Khi đã chiên vàng, họ vớt ra đĩa. Khách dùng chúng để nhậu với bia.

- Món trứng đúc giun: đánh 2 – 3 quả trứng vịt và trộn giun vào. Thái ít củ và lá hành tươi để trộn thêm. Dùng một vài lát hành khô đảo với mỡ cho thơm. Sau đó đổ bát trứng vào. Rán cho vàng đều hai mặt. Món này thơm, dùng để kẹp với bánh mì ăn rất ngon. - Bánh bích qui giun: Dùng bột giun trộn với bột mì, trứng, đường. Nhào đều và rập khuôn bánh. Sau khi nướng, ta được một loại bích quy rất thơm, an ngon,... Kể ra một vài món ăn như vậy để bà con biết thêm. Tuy nhiên ở ta, việc dùng giun làm thức ăn cho vật nuôi là việc quan trọng nhất.

9. Dùng giun đất giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

Ở rất nhiều nước, người ta đã dùng giun đất để xử lý rác thải hữu cơ. Một số trường học ở Ôxtrâylia, học sinh phải bỏ giấy loại và các loại vỏ quả vào một thùng đựng rác riêng. Trong thùng đó có giun đất. Họ tưới ẩm và che kín bề mặt bằng một tấm phủ. Giun sẽ ăn hết các loại rác đó...

Ở Việt Nam, môi trường sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã bị ô nhiễm nặng. Chúng tôi đã có mặt ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Đâu đâu cũng thấy có vấn đề môi trường phải giải quyết.

Vì nhiều lý do cho nên ở nông thôn, khu vực chăn nuôi thường nằm sát với khu người ở. Tại các tỉnh miền núi, còn tồn tại cảnh người ngủ bên trên, bên dưới là trâu, bò nằm. Phân gia súc, gia cầm gây ô nhiễm nặng nề.

Chúng ta có thể sử dụng biện pháp nuôi giun để giảm bớt ô nhiễm cho khu vực này. Toàn bộ phân, rác thải được thường xuyên đưa vào luống nuôi giun. Phía trên có một tấm phủ ẩm che đậy. Giu ăn phân và thải phân giun lên trên mặt. Lớp phân giun tạo ra một dải ngăn cách, giảm bớt mùi hôi thối. Mặt khác, bản thân tấm phủ ẩm ướt cũng hạn chế được mùi hôi bốc ra. Động tác thu gom phân hàng ngày và cho vào một chỗ để nuôi giun cũng góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

Ở thành phố, có nhiều người nuôi gà công nghiệp ngay trong căn hộ tập thể. Phân gà công nghiệp hôi như phân bắc. Nhưng nếu bố trí một thùng nuôi giun tại đó thì rất tốt. Phân gà thường xuyên được hót cho vào thùng. Trong thùng, giun sẽ ăn phân và thải phân làm ăn hết mùi hôi. Giun thu được sẽ cung cấp cho gà, còn phân giun sẽ dùng để bón cho cây hoa, cây cảnh cho gia đình. Phân giun không còn mùi hôi thối. Đây là một việc làm rất nên khuyến khích tại khu dân cư.

Có thể nói, nếu ta suy nghĩ sử dụng giun đất vào việc làm sạch môi trường chắc chắn sẽ có nhiều hướng hay. Con giun đất có thể là người bạn tốt của chúng ta trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

(Download sách ở đây)

(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của ECO Việt Nam. Chúng tôi có thể biên tập lại hoặc không đăng ý kiến của bạn nếu vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức hoặc các vấn đề liên quan đến chính trị....)

[Combo 5] 05 tháp rau hữu cơ ECO

Phủ xanh thành phố, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường
6,900,000
 » 
6,600,000
 (vnđ)

[Combo 4] 04 tháp rau hữu cơ ECO

5,520,000
 » 
5,320,000
 (vnđ)

[Combo 3] 03 tháp rau hữu cơ ECO

Phủ xanh thành phố, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường
4,140,000
 » 
4,050,000
 (vnđ)

[Combo 2] 02 tháp rau hữu cơ ECO

Nhà hẹp, trồng rau cho bé yêu
2,760,000
 » 
2,720,000
 (vnđ)

[Combo-f] Trọn gói tháp, đất, trùn quế

01 tháp hữu cơ vi sinh, đất hữu cơ trộn phân trùn và trùn quế (xấp xỉ 120 kg)
1,750,000
 » 
1,700,000
 (vnđ)